19/1/10

TÌM HIỂU RÙA BIỂN Ở VIỆT NAM

Rùa Biển - Hải quy (Cheloniidae), là tên gọi chung của các loài bò sát có mai sống trong môi trường Biển. Người dân sống dọc theo các tỉnh ven biển miền trung nước ta thường gọi Rùa Biển là con Đú. Theo các nhà khoa học, Rùa Biển là một trong những loài sinh vật sống lâu năm nhất trên hành tinh xanh. Chúng đã tồn tại cách nay khoảng từ 150 đến 200 triệu năm, tương đương hoặc lâu hơn cả loài Khủng Long.

Vị trí của rùa trong hệ thống phân loại động vật như sau
Giới động vật: Zoa
Phụ giới động vật có miệng thứ sinh: Deuterostomia
Ngành có dây sống: Charedata
Phân ngành có xương sống: Vertibrata, thuộc nhóm có sọ: Craniota
Phân ngành phụ ngành động vật có hàm: Gnathostomata
Lớp bò sát: Reptilia
Bộ rùa: Testudinata

Rùa biển thuộc họ bò sát lớn sống ở biển, phân lớp Rùa (Testudinata). Vỏ giáp lưng (mai) thẳng, dẹt có tác dụng rẽ dòng để giảm sức cản trong nước. Tấm giáp bụng (yếm) không liền với vỏ giáp lưng. Cổ ngắn, đầu không thụt hẳn được vào phần vỏ. Chi trước dài hơn chi sau, dạng vây chèo. Bơi nhanh, lặn sâu, có thể bơi hàng trăm km. Mỗi lứa đẻ từ vài chục đến vài trăm trứng hình cầu, có vỏ da dai, vùi dưới cát ẩm. Phân bố trong các vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới, gồm 5 chi, mỗi chi một loài (với hai phân loại địa lý).

Trên thế giới hiện đang tồn tại bảy loài Rùa Biển, chúng sống ở khắp các đại dương (trừ Bắc Băng Dương). Riêng nước ta, các cơ quan chức năng đã ghi nhận sự xuất hiện của năm loài rùa biển thuộc 2 họ, chúng phân bố ở vùng biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, quanh các đảo và quần đảo, nhưng tập trung nhiều ở ven biển thuộc các tỉnh Nam Trung bộ trở vào, trong đó ở vùng biển quanh Côn Đảo, Phú Quốc có mật độ phân bố cao.

Các loài rùa biển ở Việt Nam gồm: Rùa Da (Demochelys Coriacea); Đồi Mồi (Eretmochelys Imbricate); Đồi mồi Dứa (Lepidochelys Olivacea); Vích còn gọi là Rùa Xanh (Chelonia Mydas) và Quản Đồng còn gọi là Rùa đầu To (Carelta carelta). Hai loài Rùa Biển còn lại không có ở vùng biển Việt Nam là Rùa Biển Kemp’s Ridley (Lepidochelys Kempil) và Rùa mai phẳng (Natator Depressus). Hiện nay, sáu trong số bảy loài Rùa Biển trên đang có nguy cơ tuyệt chủng mặc dù việc mua bán các loài rùa biển đã và đang bị nghiêm cấm ở các nước thành viên công ước CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp).

Có thể khái quát 5 loài rùa biển ở Việt Nam như sau:

- Rùa Da: Còn gọi là Rùa Luýt hay rùa biển lưng da, Tên tiếng Anh: Leatherback Turtles (Tên khoa học: Dermochelys Coriacea). Đây là loài có kích thước lớn nhất trong 5 loài rùa biển, chiều dài bình quân của con đực đạt 1,14m, con cái là 1,39m (cá biệt có con đạt 2,4m và nặng đến 500kg). Đặc biêt, người ta đã từng tìm thấy một con rùa da có chiều dài từ đầu đến đuôi hơn ba mét và cân nặng 916 kg. Đó là mẫu cụ thể đã được tìm thấy trên một bãi biển ở bờ biển phía tây của xứ Wales ở Bắc Đại Tây Dương. Rùa da được tìm thấy trong khắp các đại dương, chúng phân bố rộng rãi nhất trong tất cả các loài rùa biển, xa về phía bắc như Alaska và xa về phía nam là mũi cực nam của châu Phi ở Nam Phi.

Rùa Da là loài bò sát biển lớn nhất còn sống và sống gần như toàn bộ cuộc sống của chúng trên biển. Thời gian duy nhất chúng ở trên đất là khi rùa cái đẻ trứng, và khi nở ra từ tổ, chúng nhanh chóng tìm mọi cách để trở về đại dương. Có thể dễ dàng phân biệt rùa da với các loại rùa khác bởi mai của chúng là da và bằng chân chèo dài phía trước của chúng. Những con rùa da có một hệ thống các nguồn cung cấp máu độc đáo cho xương và sụn. Điều này cho phép nhiệt độ cơ thể của chúng dể dàng thích nghi với nhiệt độ môi trường nước và cho phép chúng chịu đựng được nước rất lạnh (khoản 4,5oc). Vì vậy, chúng có thể lặn tới độ sâu lên đến 1.200 m (3.937 feet), sâu hơn nhiều so với bất kỳ các loài rùa biển khác. Chúng cũng là loài bò sát nhanh nhất, ấn bản 1992 của sách kỷ lục Guiness ghi nhận có những con rùa da đạt được tốc độ di chuyển 35,28 km /giờ trong nước.

Rùa da đẻ trứng vào thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 dương lịch, mỗi lần đẻ từ 60 đến 100 quả. Đường kính của trứng từ 5 – 6,5cm, sau bảy tuần trứng sẽ nở. Thức ăn của rùa này là các loại cá, giáp xác thân mềm, rong và cỏ biển.
Rùa Da cũng được ghi nhận là loài rùa biển có chặng đường di cư dài nhất trong các loài rùa biển. Các nhà khoa học tại Cơ quan dịch vụ nghề cá biển quốc gia Mỹ đã gắn thẻ theo dõi một con Rùa Da cái trong 647 ngày và phát hiện chặng đường khi nó rời tổ trứng tại Papua, Indonesia trở về nơi kiếm ăn ở ngoài khơi Oregon, Mỹ có độ dài khoản 20.588 km




Rùa Da



















- Đồi mồi: Tên tiếng Anh Hawksbill (Tên khoa học: Eretmochelys Imbricata) Là loài dễ nhận biết bởi trên mai của nó gồm những tấm sừng màu gụ cùng với các sọc và đốm sáng xếp lưới như mái ngói, viền sau và viền bên không gắn chặt vào mai, Chi biến thành dạng mái chèo, chi trước có 2 vuốt, chi sau có 1 vuốt. Đầu màu đen có viền mầu trắng, trên đầu có 2 đôi vẩy trước trán, hàm dưới hơi cong có hình dạng giống như mỏ diều hâu. Đuôi ngắn, mai mầu nâu vàng có nhiều chấm hoặc vân mầu nâu đen, yếm mầu vàng. Chiều dài của đồi mồi không vượt quá 1m. Kích thước trung bình 0,61-1,01m, khối lượng từ 40-50kg.

Đồi mồi được tìm thấy trên khắp thế giới tại vùng biển nhiệt đới và được biết là làm tổ trên bãi biển trong ít nhất 60 quốc gia. Đồi mồi sống trong những vùng Biển tương đối nông, các rạn san hô ven biển, vịnh, đầm phá và thậm chí cả đầm lầy ngập mặn ở cửa sông.

Đồi mồi mất từ 30 – 40 năm để trưởng thành và sinh sản. Sinh sản cũng bằng cách đẻ trứng. Thời gian đẻ trứng từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm, mỗi lần đẻ từ 80-140 quả trứng được vùi trong cát sâu từ 40-50cm, sau bảy tuần thì trứng nở, rùa con thường cân nặng không quá 20 gram sau khi nở và có chiều dài khoản 2,5cm. Thức ăn của chủ yếu chúng là Bọt biển (chiếm 70-95% khẩu phần ăn), ngoài ra còn là san hô mềm, hải miên, cá, tôm, cua và các loài rong, cỏ biển.

Đồi mồi hiện đang đướng trước nguy cơ tuyệt chủng cao. Từ rất lâu, con người đã săn bắt Đồi mồi để làm nữ trang và đồ trang sức từ Mai của chúng trong nhiều thế kỷ. Ngoài ra trứng, thịt Đồi mồi còn được xem là thức ăn bổ dưỡng mà ai cũng muốn một lần được thưởng thức. Đặc biệt, Đồi mồi nhồi bông là quà tặng kỹ niệm độc đáo đối với nhiều người. Vì vậy, hành động khẩn cấp để cứu Đồi mồi đang được nhiều tổ chức quốc tế tiến hành với sự tham gia của chính phủ các nước.




Đồi mồi























- Đồi mồi Dứa: Tên tiếng Anh Olive Ridley, (Tên khoa học: Lepidochelys Olivacea). Còn được gọi là rùa Ridley Thái Bình Dương, là một trong những loài nhỏ nhất của rùa biển. Nó được đặt tên theo màu xanh ô liu của mai hình trái tim tròn. Những cá thể trưởng thành có trọng lượng trung bình nhỏ hơn 46 kg, với chiều dài mai chỉ khoản 76 cm. Mai có màu xanh lá cây ôliu sẫm màu với một phần bụng màu vàng, các mép mai trơn tru. Kích thước và hình dáng của nó thay đổi theo từng khu vực, rùa sống ở phía tây Đại tây Dương thường có mài sậm hơn ở phía đông Thái Bình Dương.

Đồi mồi dứa được tìm thấy ở các vùng biển nhiệt đới, ngoài khơi bắc Ấn Độ Dương, đông Thái Bình Dương và đông Đại Tây Dương. Ở tây Đại Tây Dương, phần lớn các tổ rùa được tìm thấy nằm trên một dải bờ biển ngắn trên đảo Surinam. Rùa Olive Ridleys là loài ăn tạp, chúng ăn cua, tôm, tôm hùm đá, cỏ biển, tảo, ốc, cá, đôi khi chúng cũng ăn sứa trong vùng nước nông. Tuy nhiên các loại tảo được xác định là thức ăn chính của Đồi mồi dứa.

Mùa sinh sản của chúng kéo dài từ tháng sáu đến tháng 12 nhưng thời kỳ cao điểm là tháng chín, tháng mười. Đồi mồi dứa để trứng từ 1-3 lần mỗi mùa, chúng đẻ vào ban đêm mỗi lần đẻ từ 100-110 trứng trên các bãi cát ven biển. Trứng được ủ khoảng 50-60 ngày thì nở, rùa con khi nở ra thường có cân nặng nhỏ hơn 28 gram, dài khoảng 3,8 cm. Tuổi trưởng thành của Rùa còn chưa được biết chính xác, nhưng nếu tương tự như Rùa Kemp Ridley thì sẽ là từ 10-15 năm. Đặc điểm của loại rùa này là chúng thường tập trung đẻ trứng với số lượng rất đông, hàng ngàn cá thể cùng đẻ trên một bãi biễn cùng lúc nên đôi khi con này lại đào phải ổ trứng của con khác. Chúng chỉ đẻ trứng ở bãi biển nơi chúng được sinh ra.






Đồi Mồi Dứa















- Vích (Còn gọi là Rùa Xanh): Có tên khoa học là Chelonia Mydas. Đây là tên chung rất phổ biến ở vùng biển Côn Đảo. Nó được gọi là rùa xanh bởi lẽ thân thể chúng rất bóng, màu xanh tuy vậy cũng có thể là màu thâm đen hoặc đen nhạt, đầu có vẻ nhỏ hơn so với kích thước cơ thể chúng và không rút được vào trong mai, trên đầu có một đôi vẩy trước trán, hàm cong lên, tấm lưng rất mỏng, xếp sát vào mai. Chi biến thành dạng mái chèo, chi trước có 1 vuốt. Đuôi ngắn, mai mầu nâu, yếm bụng vàng nhạt Chiều dài bình quân của con trưởng thành đạt từ 1- 2m, khối lượng bình quân đạt 40-200kg. Con đực lớn hơn con cái và có đuôi dài.

Vích có hai phụ loài trong đó bao gồm Chelonia mydas mydas và Chelonia mydas agassizii. Tên gọi chung cho Chelonia mydas là rùa xanh Đại Tây Dương vì chúng sống chủ yếu ở Đại Tây Dương đôi khi chúng cũng được nhìn thấy ngoài khơi bờ biển của châu Âu và Bắc Mỹ hoặc Đông Thái Bình Dương. Ở Việt Nam chúng có nhiều ở vùng biển Côn Đảo.

Con trưởng thành mất từ 10-20 năm. Sinh sản bằng cách đẻ trứng, thời gian sinh sản từ tháng 2 đến tháng 9 dương lịch tùy theo khu vực. Thời gian mang thai trung bình 56 ngày (dao động từ 40 đến 72 ngày tùy theo địa điểm). Khi đã sẳn sàng đẻ trứng, rùa cái rời khỏi nước trường lên cát tìm nơi thích hợp dùng 2 chi trước đào tổ sâu từ 50-60 cm đẻ trứng và lắp cát lại. Vích có thể đẻ từ 150-200 trứng trong một ổ, trứng Vích tròn có vỏ màu trắng nhạt, mềm, đường kính 3cm, thời gian trứng nở 50-55 ngày. Nhiệt độ sẽ quyết định giới tính của rùa con (rùa cái cần nhiệt độ cao hơn)
Thức ăn của Rùa xanh chủ yếu là cỏ. Chúng ăn tảo biển và cỏ biển mọc ở vùng nước nông. Tuy nhiên, lúc còn nhỏ chúng ăn sứa, cá, tôm, cua, bọt biển, ốc, và sâu.





Rùa Xanh (Vích)




















Rùa Xanh (Ảnh VQG Côn Đảo)


- Rùa Quản đồng (Còn gọi rùa đầu to): rùa có tên khoa học là Caretta caretta, thuộc họ Vích (Chelonidae), tên tiếng Anh: Loggerhead turtle. Toàn thân rùa có màu vàng sáng, mai rùa có màu nâu đỏ ánh xà cừ. Đây là loài rùa rất hiếm được liệt kê trong phụ lục I theo Công ước Cấm buôn bán các loài có nguy cơ tuyệt chủng (CITES), Công ước các loài di cư (CMS) và sách đỏ Việt Nam. Có kích thước như Vích, độ dài bình quân từ 58 đến 95 cm, trọng lượng 50-90 kg, đẻ trứng vào thời gian từ tháng 4 đến tháng 7, mỗi lần đẻ từ 100-150 quả, đường kính của trứng là 4cm.

Quản đồng được tìm thấy trong gần như tất cả các đại dương trên thế giới ôn đới và nhiệt đới: Đại Tây Dương từ Newfoundland đến Argentina, Ấn Độ Dương từ miền nam Châu Phi đến Vịnh Ả Rập, miền Tây nước Úc, biển Địa Trung Hải, và Thái Bình Dương từ Alaska đến Chile và Úc đến Nhật Bản. Trong mùa đông rùa di chuyển đến vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới. Chúng sống trong các vùng nước ven biển, gần rạn san hô và trong đầm lầy nước măn, đầm nước lợ, và các cửa sông.













QUẢN ĐỒNG











Tóm lại, Rùa biển là loài bò sát rất đặc biệt và cuộc sống của chúng vẫn còn nhiều điều bí ẩn đối với các nhà khoa học.Vòng đời của Rùa biển trãi qua nhiều môi trường sống khác nhau: chúng được sinh ra từ những bãi cát ven biển, 3 – 5 năm đầu đời chúng lớn lên ở vùng rạn san hô, cỏ biển gần bờ rồi trôi dạt ra giữa đại dương bao la để kiếm sống. Đến tuổi trưởng thành (khoảng 20 - 30 tuổi) chúng trở lại vùng rạn san hô gần bờ để giao phối và tìm về đúng nơi chúng đã sinh ra để làm tổ, đẻ trứng dù nơi ấy cách xa chổ chúng sinh sống vài ngàn km. Tuy nhiên, bằng cách nào mà rùa có thể nhớ đường trở về đúng nơi được sinh ra, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được.

Do đặc tính hiền lành và chậm chạp, hơn nữa thịt và sản phẩm của các loài rùa biển rất được ưa chuộng trên thị trường quốc tế nên rùa biển đã trở thành đối tượng săn bắt của hầu hết ngư dân ở nước ta và trên khắp thế giới, do vậy nguy cơ tuyệt chủng đối với các loài rùa biển hiện nay là rất cao. Đứng trước nguy cơ đó nhiều tổ chức quốc tế đã được thành lập để bảo vệ rùa biển, chính phủ Việt Nam cũng đã chủ trương nghiêm cấm săn bắt rùa biển trên phạm vi cả nước và tham gia, hợp tác tích cực với các tổ chức quốc tế trong bảo vệ, bảo tồn Rùa Biển. Tuy nhiên, Rùa biển di chuyển xa đến vài ngàn km nên việc bảo vệ chúng không thể thực hiện riêng lẻ ở một quốc gia mà cần có sự hợp tác của nhiều quốc gia và đặc biệt là ý thức bảo vệ rùa biển của các ngư dân trên toàn thế giới.