26/8/10

ĐIỂM QUA CÁC KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN THẾ GIỚI Ở VIỆT NAM
Gần đây, tại kỳ họp thứ 21 của uỷ ban điều phối quốc tế “chương trình con người và sinh quyển” – Man and Biosphere Program (MAB thuộc UNESCO) diễn ra tại đảo JeJu (Hàn Quốc) từ ngày 25 đến 29/5/2009 đã công nhận Cù lao Chàm và Vườn Quốc Gia Mũi Cà Mau là khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới. Như vậy, đến nay nước ta có tất cả tám khu DTSQ thế giới lần lượt là: Cần Giờ, Cát Tiên, Cát Bà, Đồng bằng Sông Hồng, Biển Đảo Kiên Giang, Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm và Mũi Cà Mau.
Mỗi khu DTSQ thế giới ở Việt Nam có những đặc điểm, đặc trưng và hệ sinh thái riêng mà các khu DTSQ khác trên thế giới không có được. Sau đây xin điểm qua các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam:
1.Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ:

Khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ thuộc huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Ngày 21/01/2000, khu rừng ngập mặn Cần Giờ được MAB/UNESCO công nhận là khu DTSQ thế giới đầu tiên của Việt Nam và đứng thứ 368 của thế giới.
Khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ nằm ở cửa ngõ Đông Nam TP HCM, Có toạ độ: Từ 100 22’ đến 100 40’ độ vĩ bắc và từ 1060 46’ đến 1070 01’ độ kinh đông. Cách trung tâm TP HCM khoảng 40km theo đường chim bay, khu DTSQ Cần Giờ giáp tỉnh Đồng Nai ở phía Bắc, giáp Biển Đông ở phía Nam, giáp tỉnh Tiền Giang và Long An ở phía Tây và giáp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ở phía Đông. Tổng diện tích khu DTSQ là 75.740 ha, trong đó: vùng lõi 4.721 ha, vùng đệm 41.139 ha, vùng chuyển tiếp 29.880 ha.
Rừng ngập mặn Cần giờ còn gọi là Rừng Sác, là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thuỷ sinh. Rừng ngập mặn Cần Giờ có điều kiện môi trường rất đặc biệt, là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn. Rừng Cần Giờ nhận một lượng lớn phù sa từ sông Đồng Nai, cùng với ảnh hưởng của Biển gần bên và các đợt thuỷ triều nên hệ thực vật nơi đây rất phong phú, trở thành nguồn cung cấp thức ăn và là nơi trú ngụ cho nhiều loài thuỷ sinh, cá và các loài động vật có xương sống khác.
Về thực vật: quần xã thực vật bản địa mà loài đước đôi (Rhizophora apiculata) chiếm ưu thế cùng một số loài cây khác như gõ biển (Intsia bijuga), dà vôi (Ceriops tagal), dà quánh (C.decandra), cóc trắng (Lumnitzera racemosa), xu ổi (Xylocarpus granatum), tra (Thespesia populnea),... cũng được trồng để phủ xanh các vùng đất cao, ít ngập triều. Các loại thực vật nước lợ như bần chua, các quần hợp mái dầm như ô rô, dừa nước, ráng, v.v… Thảm cỏ biển với các loài ưu thế Halophyla sp., Halodule sp., và Thalassia sp.; đất canh tác nông nghiệp với lúa, khoai mỡ, các loại đậu, dừa, các loại cây ăn quả.
Về động vật: Đây là khu rừng ngập mặn với một quần thể động vật đa dạng, trong số đó chiếm ưu thế là đàn khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis) cùng nhiều loài chim, cò. khu hệ động vật thủy sinh không xương sống với trên 700 loài, khu hệ cá trên 130 loài, khu hệ động vật có xương sống có 9 loài lưỡng thê, 31 loài bò sát, 4 loài có vú. Trong đó có 11 loài bò sát có tên trong sách đỏ Việt Nam như: Tắc kè (gekko gekko), kỳ đà nước (varanus salvator), trăn đất (python molurus), trăn gấm (python reticulatus), rắn cạp nong (bungarus fasciatus), rắn hổ mang (naja naja), rắn hổ mang chúa (ophiophagus hannah), vích (chelonia mydas), cá sấu hoa cà (crocodylus porosus)… Khu hệ chim có khoảng 130 loài thuộc 47 họ, 17 bộ. Trong đó có 51 loài chim nước và 79 loài không phải chim nước sống trong nhiều sinh cảnh khác nhau.
2. Khu dự trữ sinh quyễn Vườn Quốc Gia Cát Tiên:
Vườn quốc gia Cát Tiên là một khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên địa bàn của 11 huyện thuộc bốn tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước và Đắc lắc với tổng diện tích 728.700 ha, gồm ba vùng: vùng lõi 73.800 ha, vùng đệm 251.450 ha, và vùng chuyển tiếp 403.450 ha. Được thành lập theo quyết định số 01/CT ngày 13 tháng 1 năm 1992 của Thủ tướng chính phủ trên cơ sở kết nối khu rừng cấm Nam Cát Tiên và khu bảo tồn thiên nhiên Tây Cát Tiên.
Vườn quốc gia Cát Tiên nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 150 km về phía bắc ở khu vực có toạ độ từ 11°20′50" đến 11°50′20" độ vĩ bắc, và từ 107°09′05" đến 107°35′20" độ kinh đông. Vườn quốc gia Cát Tiên được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyễn thế giới vào ngày 10.11.2001. Nó là khu dự trữ sinh quyễn thứ 411 của thế giới và thứ hai của Việt Nam. Đặc trưng của vườn quốc gia này là rừng đất thấp ẩm ướt nhiệt đới, đây là một khu rừng mưa ẩm nhiệt đới cuối cùng còn sót lại ở miền Nam nước ta, với rất nhiều loài động thực vật quí hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng như loài tê giác một sừng (Rhinoceros sondaicus). Các hệ sinh thái ở đây có nhiều chức năng như điều hòa mực nước vùng đầu nguồn sông Đồng Nai, cung cấp nước ngọt vào mùa khô và hạn chế ngập lụt vào mùa mưa cho cả vùng Đông Nam bộ và T.P Hồ Chí Minh.